Nét đặc sắc của tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ “Ét Đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Người Ba Na (nhánh Giơ Lâng) huyện Kon Rẫy (Kon Tum), cũng như các dân tộc khác sống trên vùng Trường Sơn Tây Nguyên, với tín ngưỡng đa thần, “vạn vật hữu linh” họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời con người, cây trồng, vật nuôi. Ét Đông là một trong những lễ hội đặc sắc như vậy của họ.
Lễ vật được sắp đặt tại nhà Rông trong Lễ hội Ét Đông
Quá trình ra đời và tồn tại
Lễ Ét Đông ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với hoạt động sản xuất nương rẫy cùng với tín ngưỡng văn hóa truyền thống của cộng đồng làng. Lễ được tổ chức hàng năm vào cuối tháng chín và đầu tháng mười dương lịch, khi cây lúa bắt đầu trổ đòng, ngậm hạt. Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn thờ của cả cộng đồng đối với các vị thần tự nhiên đặc biệt là với Yang Sơri, Yang Đăk, Yang Kong hay Yang Kră, Yang Kơđrang, được họ trân trọng và giữ gìn, phát huy giá trị qua nhiều thế hệ. Đặc biệt là chỉ sau khi tiến hành Lễ hội Ét Đông, người Ba Na (nhánh Giơ Lâng) mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò...
Được biết ngày xưa, người Ban Na (nhánh Giơ Lâng) thờ Thần rắn. Sau thời gian chiêm nghiệm, họ thấy rắn có lúc rất no nhưng đôi khi lại rất đói, không có nguồn thức ăn thường xuyên, ổn định. Trong khi đó, thức ăn của Dúi lại rất đa dạng, nó có thể ăn rễ tre, rễ cỏ và bất cứ hoa quả nào gặp phải. Nên quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ Dúi sợ thiếu thức ăn. Loài Dúi lại không phá hoại mùa màng của người dân như lũ chuột đồng nên mọi người càng kính trọng. Vì vậy, họ đã chuyển sang thờ Thần Dúi, xem Dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù và siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Rẫy, có 06 làng còn duy trì Lễ hội “Ét Đông”: Làng Kon Brăp Du (của xã Tân Lập), Làng Kon Go 1, làng Kon Go 2, làng Kon Tuk, làng Kon Gộp (của xã Đăk Pne), Làng Kon Cheo leo (của thị trấn Đăk Rve).
Tiến trình diễn ra Lễ Ét Đông
Lễ Ét Đông diễn ra trong 04 ngày với nhiều nghi thức truyền thống. Các nghi lễ được thực hiện từ góc thiêng của từng hộ gia đình, trên rẫy và cuối cùng là tại nhà Rông. Tất cả đều tuân theo sự sắp xếp và chỉ đạo của già làng.
Ngày đầu tiên: Ngày dựng “Găng ga” (cổng kiêng) nơi đường lên rẫy, dựng cây nêu đầu hồi nhà Rông và thực hiện nghi thức cúng trên rẫy của từng gia đình. Người chủ mỗi gia đình thực hiện nghi thức cúng Yang giữa khu rẫy thiêng của gia đình mình.
Ngày thứ hai: Đây là ngày các gia đình thực hiện nghi thức cúng cơm giống lúa thừa tại gia đình và mang lễ vật lên nhà Rông, thực hiện các nghi thức cúng Yang tại nhà Rông truyền thống của làng.
Thực hiện nghi thức cúng tại nhà: 1) Bà chủ bếp (ya gạ pơ nai) - ngồi cạnh chỗ lúa giống thừa của vụ mùa trước cầu khấn Yang Sơri xin cho mùa vụ tới được mùa. 2) Người chủ gia đình thực hiện nghi thức đặt hạt cơm còn nguyên vẹn được nấu từ giống lúa cũ lên đỉnh đầu. Theo quan niệm của người Giơ Lâng đó là sự biết ơn đối với các Yang và tổ tiên ông bà đã ban cho sự no đủ, sức khỏe.
Sau khi cúng ở nhà, các gia đình mang lễ vật lên nhà Rông.
Tại nhà Rông, các chủ hộ gia đình lần lượt thực hiện các nội dung các bước: 1) Xẻo thịt ở phần mũi con Dúi làm lễ vật tế Yang. 2) Kéo sợi chỉ dẫn hồn lúa và gắn kết cộng đồng. 3) Dâng lễ vật và ước nguyện Đốt nến để dẫn lối Yang về tham dự lễ. 4) Con dúi của các hộ gia đình được chuyển lên giàn thiêng của nhà Rông. Con dúi của già làng được chuyển lên trước tiên. Những người ở trên giàn thiêng là do già làng chỉ định và số người bao giờ cũng là số lẻ (từ 5 cho đến 7 người).
Kết thúc ngày thứ 2, già làng sẽ cử thanh niên trai tráng trong làng ở tại nhà Rông để trông nom lễ vật.
Lễ vật Con Dúi được trang trí khéo léo tại Lễ Ét Đông
Ngày thứ ba: Là ngày ăn con Dúi cũng là ngày đưa ông, bà Tổ tiên về trời. Trong ngày này, thực hiện các nghi thức: 1) Nghi thức ăn con Dúi trên dàn thiêng tại nhà Rông. 2) Con Dúi sau khi được hạ xuống, được xẻ thịt và chia cho tất cả mọi người, phần xương sọ sẽ được buộc lại que tre và được cắm vào ghè rượu. Và cộng đồng dân cư trong làng cùng ăn uống, trao đổi với nhau về việc chuẩn bị Nhà Đầm để chứa lúa, về sửa soạn nhà cửa sau khi thu hoạch vụ mùa và cùng bàn với nhau về dựng vợ gả chồng cho con cái.
Ngày thứ tư: Ngày mọi người lên nhà Rông kiểm tra số lượng hạt gạo đặt dưới ghè rượu có còn nguyên vẹn hay không để đoán định tương lai. Sáng ngày thứ tư của lễ Ét Đông các hộ gia đình trong làng lên nhà Rông thu ghè rượu và kiểm tra gói hạt gạo được gói bằng lá pem và giấu dưới đáy ghè rượu từ hai hôm trước. Số lượng hạt gạo bằng số thành viên trong gia đình cộng thêm một. Nếu gói hạt gạo còn nguyên vẹn nghĩa là sang mùa rẫy mới gia đình đó sẽ có một vụ mùa bội thu. Ngược lại nếu hạt gạo bị sứt mẻ hoặc thừa hay thiếu thì gia đình đó sẽ gặp nhiều điều không hay.
Các giá trị văn hóa được bảo tồn trong Lễ Ét Đông
Ét Đông là thời khắc đánh dấu năm cũ đã hết. Năm mới với những hi vọng mới, niềm vui mới bắt đầu. Trong Ét Đông, mỗi người đều tự rũ bỏ phiền não, mọi hiềm khích trong cuộc sống hàng ngày của năm cũ đều được hòa giải, xóa bỏ.
Lễ hội Ét Đông là một lễ hội độc đáo, lôi cuốn hiếm thấy và mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ hội hằng năm, người Ba Na (Giơ Lâng) muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên ông bà, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Là nghi lễ mang tính cộng đồng cao, tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc, sự phân công lao động thể hiện sự công bằng nhưng cũng mang tính đoàn kết cao.
Trông Lễ hội Ét đông, ẩm thực truyền thống được duy trì và kế thừa, với những món ăn cũng thể hiện lòng thành của dân làng với tổ tiên với thần linh trên trời, tạo sự gắn kết, gần gũi mà không mất đi những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có từ ngàn đời nay của dân tộc mình. Đặc biệt trong Lễ Ét Đông, người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, như trâu, bò hay lợn gà... Hầu hết các thực phẩm đều được lấy từ trong tự nhiên như: rau rừng, cá suối, thịt rừng…
Lễ là nơi nghệ thuật trình diễn dân gian được thực hành nhiều nhất, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, là nơi thể hiện các bài dân ca truyền thống. Là nơi bảo tồn văn hóa thổ cẩm truyền thống, thông qua những bộ trang phục thổ cầm truyền thống, là lời nhắn gửi về ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Ba Na (nhóm Giơ Lâng) tỉnh Kon Tum với thế hệ sau.
Để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng LỄ “ÉT ĐÔNG” CỦA NHÓM GIƠ LÂNG (BA NA) huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Tại Quyết định số 1731/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).
Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu việc ban hành cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí bảo tồn, tổ chức các nghi lễ, lễ hội tại các thôn làng người Giơ Lâng để đảm bảo các nghi lễ, lễ hội được tổ chức thường niên và giữ gìn nguyên vẹn bản sắc và truyền thống văn hóa. Thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Khuyến khích người dân tổ chức lễ hội thường niên nhưng không can thiệp vào lễ hội. Để người dân làm chủ nghi lễ, tổ chức theo đúng các nghi thức truyền thống. Cần phát huy vai trò của các già làng, thôn trưởng và cả vai trò của những người già có uy tín trong làng. Nghiên cứu, sưu tầm các nghi lễ, lễ hội tại địa phương, đồng thời khuyến khích việc trao truyền giữa các thế hệ tại cộng đồng làng nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả vốn văn hóa truyền thống của người Ba Na (nhánh Giơ Lâng) mang tính bền vững trong đời sống cộng đồng.
Đến với huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vào những ngày cuối tháng chín và đầu tháng mười dương lịch, khi cây lúa bắt đầu trổ đòng, ngậm hạt, du khách sẽ được tham quan, tận mắt chứng kiến sự đặc sắc, hiếm thấy của Lễ hội Ét Đông, được thưởng thức các món ăn dân gian của bà con, nhâm nhi ché rượu cần được ủ từ loại nếp cẩm, nếp than, được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng hòa chung với điệu múa xoang nhịp nhàng của những cô gái, chàng trai Ba Na trong trang phục thổ cẩm bên mái nhà Rông truyền thống... Rồi đây, những vẻ đẹp truyền thống đặc sắc ấy sẽ được tiếp tục giữ gìn, lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ con cháu mai sau.
Bài, ảnh: Phạm Viết Thạch